Báo cáo tại cuộc làm việc, lãnh đạo Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết, đối với nhóm dự án có quy mô lớn, có tính chất trọng điểm trong KKT Đông Nam hiện đang tồn tại nhiều vướng mắc.
Cụ thể, đối với dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, vẫn còn 80,9 ha khu công nghiệp và 118,65 ha khu đô thị chưa hoàn thành GPMB. Về miễn tiền thuê đất cho 78ha khu công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật dùng chung khu công nghiệp đến nay chưa được chấp thuận, từ đây đã tác động đến phương án tài chính về giá cho thuê lại đất của chủ đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Tại dự án KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An hiện công tác GPMB còn vướng 1,2 ha; 192m2 đất quy hoạch làm nghĩa trang chưa được thống nhất từ phía giáo xứ Nhân Hòa nên nhà đầu tư chưa thể tiến hành thi công. Vùng nguyên liệu phục vụ giai đoạn 2 của dự án thì còn vướng do thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Về miễn tiền thuê đất và bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 để tính đơn giá thuê đất hàng năm là không hợp lý và gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên hạn chế di chuyển giữa các quốc gia, thắt chặt quy định nhập cảnh, xuất cảnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư vào KCN.
Tại dự án Trạm nghiền và Cảng Vissai thì mặc dù UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho Công ty CP xi măng Sông Lam bỏ kinh phí để bồi thường và xây dựng khu tái định cư. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Nghi Lộc chưa hoàn thành xong hồ sơ quy hoạch, thiết kế để bàn giao cho Công ty thực hiện để di dời các hộ dân, đồng thời giải phóng mặt bằng khu đất xen kẹp.
Đối với nhóm dự án có tính cấp thiết cần tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong KKT Đông Nam, tại dự án KCN Nam Cấm hiện công tác bồi thường, GPMB vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc phức tạp, kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhiều diện tích đã thực hiện công tác đền bù nhưng do chưa có nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa thu hút được các nhà đầu tư thì người dân tiếp tục tái sản xuất. Nhiều diện tích hiện đang bị người dân cản trở không cho nhà đầu tư triển khai; không bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, hiện hạ tầng giao thông, kỹ thuật của KCN Nam Cấm vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ.
Tại dự án tại KCN Đông Hồi, tuyến đường cứu nạn và tái định cư ven biển Đông Hồi đang tạm dừng do thiếu vốn; hệ thống xử lý nước thải đang thiếu thiết bị. Theo quy hoạch, Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sẽ vận hành vào năm 2023. Tuy nhiên, dự án chậm trễ triển khai đã trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân trong khu vực. Tại các dự án trong KCN Thọ Lộc, hiện vẫn còn 51 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Nhà máy may xuất khẩu Mareep Hàn Quốc.
Tại cuộc làm việc, đại diện các nhà đầu tư đã nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời đề nghị, các ngành, tỉnh cần kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, phía chủ đầu tư sẽ tích cực phối hợp để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án.