Một doanh nghiệp muốn thành công không những phải tập hợp được nhiều người tài mà còn phải biết cách đặt đúng người vào đúng việc và có chiến lược giữ chân người tài với doanh nghiệp mình. Đó là lý do vì sao các nhà quản lý luôn dành rất nhiều thời gian phân bổ nhân sự hợp lý để đạt được hiệu quả công việc cao nhất.
1. “Đãi cát tìm vàng” khi phỏng vấn
Thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nhân sự được tuyển dụng. Và nhiệm vụ to lớn này do người phỏng vấn đảm trách: phải chọn đúng người tài cho vị trí thích hợp. Nếu không, nhân viên được tuyển vào không làm được việc vì công việc quá tầm của họ, hoặc chê công việc quá “tầm… thường”. Cả 2 trường hợp đều sẽ dẫn đến kết quả chung là nhân viên đó sẽ không “mặn mà” với công việc được giao. Bạn có thể dùng nhiều cách phỏng vấn khác nhau để tìm ra người tài trong hàng trăm người đi phỏng vấn. Một trong những cách nhà tuyển dụng thường dùng là phỏng vấn bằng “câu hỏi tình huống” để thử thách khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên. Ví dụ, trong buổi phỏng vấn ứng viên dự tuyển vào vị trí Marketing của công ty, bạn có thể hỏi “Giả sử công ty chúng ta kinh doanh bánh trung thu. Vậy anh/chị sẽ lập chiến dịch marketing như thế nào để đánh bại các đối thủ nặng ký khác?” Vì công ty kinh doanh một sản phẩm khác với bánh Trung Thu, chắc chắn bạn sẽ biết được khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên như thế nào vì bạn biết chắc rằng ứng viên sẽ không thể chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi không đoán trước được như thế.
2. Quan sát cách nhân viên làm việc
Bạn nên trò chuyện và trao đổi với nhân viên để hiểu được nhân viên có thật sự yêu thích công việc hiện tại, và năng lực của họ có được phát huy tối đa hay không. Từ đó, bạn có thể tìm ra chính sách nhân sự thích hợp. Trong trường hợp nhân viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu của công việc, bạn nên chuẩn bị kế hoạch tự đào đào tạo một cách phù hợp nhất. Ngược lại, đối với nhân viên có năng lực cao hơn yêu cầu công việc, bạn hãy mạnh dạn giao cho họ nhiều trọng trách khó khăn hơn. Ngoài ra, luân chuyển công việc là một bí quyết giúp cho nhân viên yêu thích và cảm thấy công việc luôn “mới mẻ”. Chính sách này sẽ giúp cho nhân viên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, phát triển kỹ năng và khuyến khích họ tiếp cận những thử thách mới để phát triển sự nghiệp một cách toàn diện.
3. Hướng dẫn thật chi tiết và rõ ràng
Khi phân công nhiệm vụ cho nhân viên, bạn cần giải thích rõ vì sao họ cần làm công việc này và nhiệm vụ của họ đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với hoạt động của công ty. Qua đó, nhân viên sẽ nhận thấy rõ trách nhiệm của họ và tận tâm với công việc hơn. Bạn cũng nên lắng nghe để hiểu những khó khăn mà nhân viên vấp phải trong quá trình làm việc. Sau đó, hãy cùng bàn bạc và hướng dẫn họ tìm ra phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề.
4. Trân trọng và tưởng thưởng nhân viên xuất sắc
Hãy thể hiện rằng bạn trân trọng và đánh giá cao những thành tích đóng góp của nhân viên đối với sự phát triển của công ty. Vì vậy, khi một nhân viên giải quyết khiếu nại của khách hàng một cách khéo léo, bạn nên gởi email cảm ơn và khen ngợi thành tích của nhân viên này. Bạn đừng quên gửi 1 phiên bản (cc) của email này cho tất cả nhân viên cùng bộ phận. Ngoài ra, công ty nên phát triển chính sách tưởng thưởng cho những nhân viên xuất sắc. Ngoài giá trị vật chất ra, phần thưởng còn là niềm tự hào và động lực khuyến khích nhân viên làm việc tốt hơn. |